Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella zoster gây nên, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần. Bệnh rất dễ lây truyền, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng, thường diễn biến lành tính. Ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nội tạng như viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn tới tử vong.
Triệu chứng của bệnh thủy đậu
Khi bị bệnh, người bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ từ 1-2 ngày, mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi người và phát ban toàn thân. Ban thủy đậu thường dưới dạng những chấm đỏ lúc đầu sau đó phát triển thành các phỏng nước. Đầu tiên ban mọc ở đầu, mặt, cổ sau đó lan ra thân người và các chi, thường rất ngứa. Ban thủy đậu có thể gặp cả ở niêm mạc hầu họng và/hoặc âm đạo.
Bệnh thường kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt phỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi phỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt phỏng nước có thể để lại sẹo.
Bệnh thủy đậu lây lan như thế nào?
Bệnh thủy đậu rất dễ lây. Bệnh lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng. Lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc.
Bệnh thuỷ đậu có thể lây từ 1-2 ngày trước khi phát ban cho đến khi tất cả những phỏng đã đóng vảy (thông thường trong vòng 5 ngày từ khi xuất hiện những nốt phỏng nước).
Biến chứng của bệnh thủy đậu
Bệnh Thủy đậu thường tiến triển lành tính, tuy nhiên, bệnh có thể có những biến chứng nguy hiểm như : viêm não - màng não, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm cơ tim, viêm thận, viêm gan, viêm phổi (viêm phổi là biến chứng nguy hiểm nhất của thủy đậu thường gặp ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai)… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời
Thủy đậu gây nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ vì có thể gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, thiểu sản chi, sẹo bẩm sinh... Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh sẽ bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.
Cần làm gì khi trẻ mắc bệnh thủy đậu?
Đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn.
Dùng thuốc cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Cách ly trẻ trong phòng riêng, thoáng mát, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.
Vệ sinh mũi họng trẻ hàng ngày bằng nước muối loãng hoặc dung dịch sát khuẩn. Giữ vệ sinh da để đề phòng nhiễm trùng.
Tắm rửa cho trẻ bằng nước ấm và xà phòng, thay quần áo cho trẻ hàng ngày. Khi tắm, không chà xát mạnh lên da trẻ để tránh làm vỡ mụn nước.
Mặc cho trẻ quần áo bằng vải mềm, thấm mồ hôi.
Ăn thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu hóa, đủ chất.
Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước hoa quả.
Không nên kiêng nước, kiêng gió, không đắp các loại lá cây lên nốt phỏng.
Cách phòng tránh bệnh thủy đậu
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
2. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Người dân nên chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất.