I. Những nguy cơ gây cháy, nổ trong trường học
Nguyên nhân gây cháy trường học có rất nhiều loại khác nhau như do cháy lan từ nơi khác đến, do vi phạm quy định về PCCC; do sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt…
II. Các biện pháp phòng cháy trong trường học
Trường học là nơi thường xuyên tập trung đông người. Do vậy, việc tổ chức công tác PCCC, đảm bảo an toàn PCCC cho người và tài sản tránh mọi khả năng gây ra cháy là một vấn đề rất cần thiết. Để đảm bảo an toàn PCCC công tác PCCC phải được coi trọng, cụ thể:
- Thực hiện đầy đủ thẩm duyệt thiết kế PCCC, kiểm tra trong quá trình thi công tác hạng mục PCCC, nghiệm thu, đến quá trình sử dụng.
- Trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy ban đầu như: bình khí CO2, bình bột chữa cháy để đảm bảo về chất lượng và số lượng, luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
- Trường học phải có nội quy PCCC, phương án chữa cháy, phương án thoát nạn cho trẻ em và học sinh khi có cháy xảy ra. Phương án phải được tổ chức học tập, diễn tập, tổ chức rút kinh nghiệm. Hàng năm khi có sự thay đổi, hoăc sau mỗi lần thay đổi phải được bổ xung ngay vào phương án cho phù hợp.
- Khu nhà nhiều tầng nên có bảng chỉ dẫn trên đường thoát nạn trên lối và đường thoát nạn.
- Cấm sử dụng điện tùy tiện.
- Các em học sinh không được nghịch lửa, diêm, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt trong trường.
- Yêu cầu đối tượng sử dụng phải kiểm tra ngắt hết điện trước khi đóng cửa. Lực lượng bảo vệ nhà trường có trách nhiệm kiểm tra lại.
- Tại các phòng máy tính phải có nội quy quy định việc sử dụng máy tính trong học tập, nghiên cứu.
- Có chế độ kiểm tra định kỳ phát hiện những khuyết tật có thể dẫn đến sự cố phát sinh nguồn nhiệt gây cháy của hệ thống thiết bị máy tính và hệ thống thiết bị điện.
- Khi lắp đặt thêm các thiết bị điện như máy tính phải tính toán đến khả năng chịu tải của dây dẫn.
- Cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa cháy.
- Tại mỗi phòng máy tính phải có quy định an toàn PCCC.
- Khi có cháy xảy ra phải chủ động thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Triển khai toàn bộ lực lượng, phương tiện chữa cháy hiện có để chủ động khống chế dập tắt đám cháy.
III. Các biện pháp chữa cháy trong trường học
1. Khi chữa cháy cần chú ý:
- Đảm bảo an toàn cho người tham gia chữa cháy
- Ngắt điện khu vực xảy ra cháy.
- Sử dụng các phương tiện chữa cháy, bảo hộ hiện có tại cơ sở; đặc biệt là hệ thống chữa cháy được lắp đặt tại cơ sở.
- Thông báo cho mọi người biết có cháy xảy ra. Báo cháy 114.
- Người được giao nhiệm vụ ngăn chặn cháy lan và thoát khói sẽ sử dụng những thiết bị cần thiết (thiết bị thở trong môi trường đám cháy, búa, rìu phá dỡ…) và chọn những vị trí hợp lý trên cơ sở hướng gió để phá dỡ cấu kiện xây dựng nhằm thoát khói. Sử dụng tia nước đặc từ các lăng chữa cháy để ngăn chặn sự lan truyền của đám cháy, kết hợp phun mưa để làm mát chiến sỹ trực tiếp đứng chữa cháy và làm mát cấu kiện xây dựng.
- Khi tham gia chữa cháy cần phải chú ý không gây cản trở đến quá trình thoát nạn. Việc triển khai các đội hình chữa cháy có thể được thực hiện qua các cầu thang bộ hở hoặc triển khai ngoài nhà qua ban công.
2. Các biện pháp kỹ thuật an toàn:
- Hướng dẫn mọi người thoát nạn an toàn. Cần lưu ý hướng dẫn mọi người di chuyển từ tầng trên xuống dưới, tập kết mọi người thành khối cán bộ, giáo viên, lớp học sinh. Trong trường hợp khẩn cấp không thoát được theo cầu thang thì hướng dẫn thoát ra các lối ra ban công, ra mái và thông báo mọi người biết để ứng cứu.
- Thực hiện công tác cứu người bị nạn như cấp cứu người bị nạn.
- Lực lượng PCCC cơ sở phải tổ chức triển khai phương tiện chữa cháy đã được trang bị.
- Sử dụng bình chữa cháy để dập cháy. Bình chữa cháy được phân bố rải rác trên khắp diện tích trường học. Khi phát hiện có cháy xảy ra, cán bộ, giáo viên đều phải chủ động lấy bình dập tắt đám cháy.
- Sử dụng nước để chữa cháy. Triển khai các họng nước chữa cháy (nếu có) tấn công dập tắt ngọn lửa, ngăn chặn cháy lan. Lưy ý, chỉ triển khai nước chữa cháy khi đảm bảo rằng hệ thống điện đã được ngắt và trong trường hợp phòng máy tính, thư viện không còn phương tiện bình chữa cháy để dập cháy.
- Dùng chăn chữa cháy để dập cháy phủ kín toàn bộ diện tích đám cháy và miết kín xung quanh.
IV. Hướng dẫn chữa cháy trong trường học
1. Cách phân biệt bình chữa cháy dạng bột khô và dạng khí C02
Cách phân biệt đơn giản mà chính xác nhất là bình bột thì có đồng hồ đo trên đầu và vòi phun thì nhỏ chỉ cỡ ngón chân cái. Bình CO2 ngược lại không có đồng hồ đo, vòi phun lớn và dài khoảng 0.4m nhìn như chiếc loa.
Bình bột: Dập được nhiều loại đám cháy như rắn, lỏng, khí. Đối với các đám cháy thiết bị điện tử, các dụng cụ đo có độ chính xác cao thì bình bột không thích hợp để chữa cháy. Nó vẫn có thể dập tắt lửa nhưng sẽ làm hư hỏng các thiết bị này do có tính muối. Nó sẽ làm rỉ sét và ăn mòn các thiết bị này.
Bình khí CO2: có thể dùng cho nhiều trường hợp kể cả các thiết bị điện tử, thiết bị có độ chính xác cao. Tuy nhiên nó có các hạn chế như dùng nơi gió nhiều sẽ kém hiệu quả hơn vì CO2 mau khuếch tán ra ngoài, giảm hiệu quả dập lửa. Dùng cho các đám cháy than hay kim loại cũng ko thích hợp vì CO2 tác dụng với C tạo ra CO là khí độc.
Ngoài bình chữa cháy, chúng ta còn có nhiều cách chữa cháy khác như: dùng nước, đất cát, chăn chiên chữa cháy được nhúng qua nước,…tùy theo loại vật liệu bị cháy mà dùng cho thích hợp.
2. Cách sử dụng bình chữa cháy dạng bột khô và dạng khí C02
– Chuyển bình tới gần địa điểm cháy.
– Lắc vài lần.
– Giật chốt hãm kẹp chì.
– Chọn đầu hướng gió hướng loa phun vào giữa ngọn lửa.
– Giữ bình ở khoảng cách 1,5 – 4m tuỳ loại bình, 1 tay cầm vào vòi phun của bình (bình CO2, chỉ nắm phần tay cầm bằng nhựa).
– Bóp van để bột hoặc khí phun ra.
– Khi khí yếu thì tiến lại gần và để loa phun qua lại để dập tắt hoàn toàn đám cháy.
3. Công dụng của từng lọai bình chữa cháy
4. Lưu ý khi sử dụng bình chữa cháy
- Phạm vi phun tối đa của bình là 4m. Bình chữa cháy đã qua sử dụng cần để riêng một chỗ.
- Nếu đã rút chốt và sử dụng, bình sẽ nhanh bị tụt áp và lúc này phải đi nạp lại. Với bình bột thì chúng ta kiểm tra đồng hồ đo áp suất của bình, nếu kim chỉ vạch đỏ, hoặc gần vạch đỏ thì phải nạp lại. Với bình CO2 thì có thể đoán qua khối lượng bình, hoặc đơn giản và hiệu quả nhất là đặt lên bàn cân để kiểm tra trọng lượng khí còn trong bình. Với bình CO2 MT3, trọng lượng khí là 3kg + vỏ ~8,5kg = 11,5kg, dùng phương pháp loại trừ để biết số lượng khí còn trong bình. Với bình CO2 MT5, trọng lượng khí là 5kg + vỏ ~9,5kg = 14,5kg, dùng phương pháp loại trừ để biết số lượng khí còn trong bình.
- Bình CO2 dùng để chữa cháy điện (điện hạ thế, trung thế và cao thế).
- Bình CO2 không chữa được đám cháy từ kim loại, và một số chất giầu oxy.
- Bảo quản bình ở nơi râm mát, dễ thấy, dễ lấy, thuận tiện khi sử dụng. Không để bình ở nơi có nhiệt độ cao quá 55*C dễ gây hiện tượng tăng áp suất dẫn đến nổ bình.
- Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế nếu thấy hỏng hóc các bộ phận của bình: Loa phun, vòi phun, van khoá…, thì phải sửa chữa, thay thế để đảm bảo bình có thể hoạt động hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
- Nhà sản xuất khuyến cáo nên thay mới bình chữa cháy nếu đã sử dụng được 3 – 4 năm, hoặc khi thấy có hiện tượng gỉ sét trên bình để đảm bảo an toàn cho con người.
V. Kĩ năng thoát hiểm và phương án xử lý trong trường học
1. Khi có đám cháy xảy ra
- Ngay khi có đám cháy xảy ra dựa theo các dấu hiệu, tín hiệu như: có khói, nhiệt độ cao bất thường, có còi báo cháy, đèn báo cháy phát ra, các em cần thực hiện ngay các bước sau:
Bước 1: Giữ thái độ bình tĩnh khi phát hiện có hỏa hoạn.
Bước 2: Báo động khẩn cấp bằng cách hô hoán hoặc tạo ra âm thanh lớn để gây sự chú ý.
Bước 3: Lập tức ngắt điện toàn bộ khu vực bị cháy nhưng lưu ý phải dùng vật liệu cách điện để tránh nguy cơ bị điện giật.
Bước 4: Gọi điện thoại ngay tới số 114 và thông báo cháy.
Bước 5: Sử dụng các phương tiện chữa cháy gần nhất để dập lửa như bình chữa cháy, nước…
Tuyệt đối không được dùng nước chữa cháy khi chưa ngắt nguồn điện vì rất dễ xảy ra chạm mạch, cháy nổ bùng phát mạnh mẽ hơn, nước dẫn điện làm chết người.
2. Cách xử lý khi bị bắt lửa vào quần áo
- Bình tĩnh, không hoảng sợ, dừng chạy ngay lập tức.
- Nằm nhanh xuống sàn nhà hoặc áp mình vào tường phía trước hoặc sau; không lấy tay dập lửa; không được nhảy ngay vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước nếu không chắc chắn đó là nơi an toàn vì nước có thể bị nấu sôi do lửa tác động.
- Một tay che miệng, một tay che mắt, mũi và tiếp tục cuộn tròn cho tới khỉ tắt lửa.
3. Cách xử lý khi thấy người khác bị cháy
- Trấn an giúp người đó không hoảng sợ, dừng chạy ngay lập tức.
- Dùng chăn chiên đã tẩm nước hoặc dùng các bình bột, chữa cháy, nước để dập tắt lửa.
- Đưa người bị cháy đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe.
4. Cách sơ cứu người bị ngừng thở
- Nếu nạn nhân ngừng thở nhưng mạch còn đập, tiến hành hô hấp nhân tạo sau đỏ kêu gọi sự hỗ trợ giúp đỡ và tiếp tục hô hấp cho đến khi nạn nhân bắt đầu tự thở được hoặc đến khi có người đến giúp đỡ.
- Nếu nạn nhân ngừng thở và mạch cũng ngừng đập phải tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực. Người cứu cần thực hiện 1 chu kỳ: 2 lần thổi ngạt sau đó ép tim 30 lần. Dừng lại để kiểm tra tim, phổi nạn nhân. Nếu nạn nhân tự thở được thì dừng thổi ngạt, tim mạch hoạt động lại thì dừng ép tim. Nếu chưa phục hồi thì vẫn cấp cứu theo chu kỳ trên cho đến khi nạn nhân phục hồi hoặc nhân viên y tế đến.
- Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc theo dõi tình trạng sức khỏe
5. Cách sơ cứu người bị bỏng
- Sử dụng nước sạch (nhiệt độ nước tốt nhất là từ 16 - 200 C để ngâm và rửa vết bỏng. Nên tận dụng các nguồn nước sẵn có như nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng...
- Có thể ngâm, rửa phần bị bỏng dưới vòi nước hay trong chậu nước mát hoặc dội liên tục nước sạch lên vùng bỏng hoặc đắp thay đổi bằng khăn ướt.
- Kết hợp vừa ngâm rửa phần bị bỏng, vừa cắt bỏ quần áo bị cháy, rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám vào vết bỏng.
- Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc theo dõi tình trạng sức khỏe.
6. Cách sơ cứu người hít phải khói
- Đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đến nơi có không khí trong lành, thoáng. Dập tắt lửa hay lửa cháy trên áo quần nạn nhân.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh thì kiểm tra nhịp thở, mạch đập của nạn nhân và chuẩn bị hô hấp nhân tạo.
- Đặt nạn nhân ở tư thế hồi sức.
- Cho nạn nhân thở oxy nếu có sẵn và bạn đã được huấn luyện
- Chữa các vết bỏng hay các vết thương tích khác.
- Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc theo dõi tình trạng sức khỏe
Qua những hình ảnh tư liệu lồng ghép với các tình huống thực tế, các em học sinh đã được giới thiệu và hướng dẫn những kĩ năng cơ bản trong công tác PCCC và CNCH: thao tác ứng phó sự cố cháy nổ khi mới phát sinh, những cách xử lý tình huống khi xảy ra cháy nổ, cách sử dụng các phương tiện chữa cháy thông thường như bình chữa cháy xách tay dạng bột và khí CO2. nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm đối với công tác PCCC và CNCH của mình, có thái độ phòng ngừa và phương án xử lý, ứng phó các tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra tại trường học, gia đình, khu dân cư và các nơi công cộng, trang bị những kiến thức và kĩ năng cần thiết cho học sinh, đồng thời giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên nhận thức về tầm quan trọng của việc PCCC và CNCH, góp phần hạn chế những rủi ro khi cháy nổ xảy ra trong cộng đồng.