Thể lệ cuộc thi Tìm hiểu 1010 năm Thăng Long - Hà Nội
1. Đối tượng tham gia
Là công dân Việt Nam từ 10 tuổi trở lên, hiện đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và những bộ phận trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức cuộc thi).
2. Nội dung: Gồm 2 phần thi.
- Phần thi trắc nghiệm: Gồm 18 câu hỏi. Nội dung tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử, danh nhân, danh thắng của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Người dự thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trên phần mềm trong thời gian tối đa là 20 phút. Hết thời gian quy định phần mềm tự động nộp bài.
- Phần thi tự luận: Gồm 02 câu hỏi. Nội dung tập trung đề xuất ý tưởng và các giải pháp trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các thành tựu văn hóa, nghệ thuật, sản phẩm du lịch của Thủ đô tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Người dự thi soạn thảo câu trả lời trên phần mềm cuộc thi (font chữ: Times New Roman, cỡ chữ 14) trong thời gian tối đa là 60 phút. Hết thời gian quy định phần mềm tự động nộp bài.
* Lưu ý: Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm đối với lỗi kết nối do đường truyền mạng hoặc lỗi do thiết bị tham gia dự thi…
3. Hình thức thi
- Người dự thi tham gia thi trực tuyến trên website cuộc thi: https://timhieu1010namThangLongHaNoi.hanoi.gov.vn/
- Thiết bị sử dụng: Máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối internet.
- Cách thức đăng ký: Mỗi cá nhân dự thi chỉ được đăng ký duy nhất 01 tài khoản dự thi bằng tiếng Việt có dấu, đảm bảo các thông tin chính xác theo Giấy khai sinh hoặc Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu. Các thông tin đăng ký cụ thể như sau: Họ tên, giới tính, ngày-tháng-năm sinh, đơn vị công tác, phòng (ban), số điện thoại…
Lưu ý: Đối với thí sinh dự thi dưới 18 tuổi chưa có căn cước công dân, hộ chiếu, số điện thoại thì có thể điền số Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân, hoặc hộ chiếu, hoặc số điện thoại người thân (bố, mẹ).
4. Bài dự thi không hợp lệ
Bài dự thi không hợp lệ là bài dự thi đăng ký tài khoản không đúng với các thông tin cá nhân hoặc sử dụng các hình thức can thiệp trái phép phần mềm trong quá trình dự thi.
5. Điều kiện và cách thức xác định kết quả các vòng thi
1. Vòng Sơ loại: Cách thức sơ loại
Phần mềm tự động lọc các bài thi đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu của Ban Tổ chức vào vòng Chung khảo.
2. Vòng Chung khảo:
- Bài thi được vào vòng Chung khảo đảm bảo điều kiện sau:
(1) Trắc nghiệm: Đạt 16/18 câu trả lời đúng đáp án trở lên.
(2) Tự luận: Mỗi câu trả lời có số lượng 1000 từ trở lên.
- Ban Giám khảo cuộc thi chấm chung khảo đối với các bài thi đạt yêu cầu theo quy chế và thang điểm do Ban Tổ chức ban hành.
6. Phương pháp tính điểm
- Phần thi trắc nghiệm được chấm điểm tự động, kết quả được hiển thị ngay sau khi thí sinh hoàn thành phần thi.
- Phần thi tự luận được Ban Giám khảo chấm theo tiêu chí của Ban Tổ chức.
- Tổng điểm của bài thi là điểm của phần thi trắc nghiệm, tự luận.
Các bài thi có số điểm bằng nhau thì căn cứ các tiêu chí ưu tiên để phân loại: điểm thi tự luận cao hơn, điểm thi trắc nghiệm cao hơn, bài thi có thời gian hoàn thành nhanh hơn, bài thi tham gia cuộc thi sớm hơn.
7. Cơ cấu giải thưởng
- Giải tập thể: Trao cho các đơn vị có số người dự thi cao và chất lượng tốt. Gồm: 01 Giải Nhất; 02 Giải Nhì; 03 Giải Ba; 15 Giải Khuyến khích.
- Giải cá nhân: Là các bài thi có điểm số cao từ trên xuống. Gồm: 01 Giải Nhất; 02 Giải Nhì; 03 Giải Ba; 10 Giải Khuyến khích.